Cuộc thi là nơi HSSV khoa XDCĐ thể hiện những đam mê về ngành nghề đang theo học, cụ thể hóa ý tưởng và kiến thức được học thành những sản phẩm thực tế. Sản phẩm đầu tiên với tên gọi “Hàn Giang một ngày rực rỡ” phác họa ý tưởng từ việc xây dựng một mô hình cầu đi bộ bắc qua Sông Hàn, TP. Đà Nẵng. Đội Hàn Giang đã mạnh dạn thiết kế mô hình cầu đi bộ có phần làn giành cho người khuyết tật nhằm đảm bảo an toàn giao thông và phù hợp với mỹ quan của thành phố.
Sản phẩm “Hàn Giang một ngày hè rực rỡ”
“Sáng tạo và đẳng cấp” với mô hình cầu Phượng Hoàng của đội CĐ12B6. Sản phẩm dự thi thể hiện sự vươn lên và ý chí kiên cường của sinh viên chuyên ngành kỹ thuật xây dựng. Các loại vật liệu tận dụng dây thừng, xốp… hoặc lấy từ thiên nhiên như tre, gỗ… truyền tải thông điệp về bảo vệ môi trường.
Sản phẩm “ Đôi cánh thiên thần của mô hình cầu Phượng Hoàng” của đội CĐ12B6
Đội thi lớp CĐ12B6 còn đem đến cuộc thi mô hình cầu dây văng. Đây là một loại cầu bao gồm một hoặc nhiều trụ (thường được gọi là tháp), với dây cáp neo chịu đỡ toàn bộ hệ mặt cầu và các dầm cầu. Cầu dây văng chủ yếu được phân biệt theo cách nối cáp vào trụ cầu. Mô hình này theo kiểu thiết kế rẻ quạt, tất cả các dây cáp đều được nối vào, hoặc nối qua đỉnh tháp.
Sản phẩm cầu dây văng đến từ lớp CĐ12B6
Đội TC14B1 đem đến cuộc thi sản phẩm mang tên “Con đường cầu vồng”, đây là mô hình cầu treo dây võng được lấy từ ý tưởng của cầu Thuận Phước, TP. Đà Nẵng. Cầu treo dây võng là một trong những kết cấu chịu lực chính làm bằng các dây treo võng theo đường cong vắt qua đỉnh các cột tháp cao hoặc là các dây thẳng kéo từ đỉnh các cột tháp Hệ cáp treo chính của cầu được móc liên kết chắc chắn vào đỉnh các trụ cầu, nhưng do khoảng cách nhịp lớn và chịu tải nặng chúng thường có dạng bị võng xuống ở khoảng giữa nhịp cầu. Chính nhờ có hệ kết cấu dây cáp treo không phụ thuộc vào góc neo cáp, chiều cao trụ cầu và khoảng cách điểm neo đốt cầu vào cáp treo tới trụ tháp, mà cầu treo dây võng có thể vượt được các nhịp lớn hơn cầu treo dây văng (loại cầu phụ thuộc nhiều vào những yếu tố đó). Những cầu treo nhịp dài nhất trên thế giới là các cầu treo dây võng.
Sản phẩm “con đường cầu vồng” đến từ đội TC14B1 với mô hình cầu dây võng
Đội Ngựa ô tham gia cuộc thi với sản phẩm cầu là sự kết hợp đầy sáng tạo giữa mô hình cầu dây văng và cầu vòm ống thép nhồi bê tông cốt thép. Sự kết hợp này đã mang đến một bước đột phá cho ngành xây dựng cầu đường, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, vừa đảm bào tính kinh tế và chịu lực cho toàn bộ kết cấu. Ưu điểm chính của cầu vòm ống thép nhồi bê tông là giảm được ảnh hưởng của tải trọng gió, tăng độ cứng chống xoắn, tăng khả năng chống biến dạng của ống thép. Cầu dây văng thông qua nhiều dây cáp trực tiếp kéo chặt dầm chính lên cột tháp, khiến cho trọng lượng của mặt cầu chủ yếu do cột tháp gánh chịu, phát huy đầy đủ tính năng ưu việt chống kéo của vật liệu thép, đồng thời tiết kiệm vật liệu, thi công thuận tiện.
Sản phẩm cầu dây văng và vòm đến từ “Ngựa ô Group”
“Âm vang sông Hàn” của đội Storm là mô hình cầu đạt giải quán quân của cuộc thi thiết kế mô hình cầu. Với ý tưởng thiết kế từ chiếc cầu quay sông Hàn “biểu tượng du lịch của thành phố” và là cầu quay đầu tiên tại Việt Nam, đây là loại cầu có thể xoay được để mở đường cho các phương tiện giao thông đường thủy ở phía dưới cầu đi qua. Cầu Sông Hàn xây dựng góp phần thuận lợi cho giao thông đô thị và phát triển kinh tế của vùng đất ở phía đông thành phố, mà còn là một biểu tượng văn hóa khá độc đáo của một thành phố nơi cửa biển. Dáng đứng của trụ cầu dây văng vút cao, đẹp một cách thanh nhã nổi bật trên dòng sông Hàn lộng gió, in hình lên phông màu xanh đậm phía sau là cụm núi Sơn Trà.
Sản phẩm mô hình cầu quay sông Hàn đến từ đội “Storm”
Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương V tọa lạc tại “Thành phố Đà Nẵng - Thành phố đáng sống - Thành phố du lịch - Thành phố của những cây cầu”, các mô hình cầu nổi bật của thành phố đều được các em HSSV vận dụng vào thiết kế của mình. Qua đó nhằm tôn vinh vẻ đẹp hiện đại của thành phố, đồng thời nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyên ngành mà các em đang theo học chuyên ngành Xây dựng Cầu đường, Trường cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương V.
Sau hơn 3 tháng làm việc và cống hiến của thầy và trò khoa Xây dựng Cầu đường. Cuộc thi đã kết thúc thành công rực rỡ với các mô hình cầu đã được nghiệm thu và lưu giữ tại văn phòng Đoàn trường, làm tư liệu học tập cho thầy cô và các em sinh viên khóa sau. Qua cuộc thi, Chi đoàn GV khoa Xây dựng Cầu đường tiếp tục sẽ tổ chức nhiều sân chơi khoa học và nhiều hoạt động ý nghĩa để giúp các em hoàn thiện kỹ năng và kiến thức chuyên môn khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bài viết: Thanh Nga
Khoa XDCĐ
HƯỚNG DẪN ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN NGÀNH NGHỀ THEO PHƯƠNG THỨC ĐĂNG KÝ TRỰC TUYẾN