Bà Trần Minh Huyền, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Trong bối cảnh công nghiệp 4.0 phát triển nhanh chóng hiện nay, đào tạo nghề được phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Trước sự chuyển dịch đó, học sinh, sinh viên trong các trường nghề ngày càng có lợi thế hơn về tay nghề cao, nhanh nhạy với công nghệ để biến đam mê, ý tưởng thành hiện thực”.
Xác định rõ ngành nghề “hot” hiện nay
Theo đó, các ngành nghề trọng tâm cần được đào tạo trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 bao gồm: công nghệ, kỹ thuật, nông nghiệp, công nghiệp. Đặc biệt là những ngành, nghề phục vụ trực tiếp của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và 8 nhóm lĩnh vực ngành, nghề được tự do di chuyển gồm: nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch...
Nghề kỹ thuật công nghiệp là một trong những nghề được đánh giá có nhu cầu cao trong những năm tới.
Kết quả khảo sát của tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho thấy, năm 2021, tổng số lao động qua đào tạo nghề trọng điểm có nhu cầu tuyển mới khoảng 815 nghìn người, năm 2022 nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp và thực tế xã hội khoảng 817 nghìn người. Theo đó, đối với lao động trình độ sơ cấp, nhu cầu tuyển mới nhiều nhất là may thời trang, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật xây dựng… Đối với trình độ trung cấp, nhu cầu tuyển mới nhiều nhất là may thời trang, tiếp đến là vận hành máy xây dựng, kỹ thuật chế biến món ăn... Đối với trình độ cao đẳng, nhu cầu tuyển mới nhiều nhất là may thời trang, tiếp đến là vận hành máy xây dựng, điện công nghiệp...
Cũng theo đánh giá, những nghề có thu nhập bình quân cao nhất là điều dưỡng (15,5 triệu đồng/tháng); quản lý khai thác công trình thủy lợi (14,1 triệu đồng/tháng); kỹ thuật sơn mài và khảm trai (10,2 triệu đồng/tháng). Thu nhập trung bình chung của lao động trình độ cao đẳng khoảng 7,3 triệu đồng/tháng.
Quyết tâm khơi thông điểm nghẽn
Hiện cả nước có 1.909 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 399 trường cao đẳng; 458 trường trung cấp; 1.052 trung tâm giáo dục nghề nghiệp trong cả nước đã thực hiện việc quy hoạch mạng lưới trường chất lượng cao và các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế theo từng cơ sở GDNN, từng vùng, địa phương và trình độ đào tạo.
Dạy nghề gắn với thực hành nghề là xu hướng đào tạo của các trường cao đẳng, trung cấp nghề hiện nay.
Để giúp công tác đào tạo nghề nâng cao được chất lượng, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động đổi mới chương trình đào tạo, chú trọng kỹ năng thực hành nghề. Xác định GDNN là “thực học, thực hành” nhằm tăng cường kỹ năng thực hành cho người học, để sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay yêu cầu tại nơi làm việc.
Cùng với đó là mời doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xây dựng chuẩn đầu ra cho 160 ngành, nghề trình độ trung cấp, cao đẳng với sự tham gia của trên 500 lượt cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên, chuyên gia đến từ doanh nghiệp trong quá trình đánh giá, phân tích nghề, xây dựng và thẩm định chuẩn đầu ra.
Theo đó, thời gian thực hành, thực tập thí nghiệm đối với trình độ trung cấp từ 55-75% và trình độ cao đẳng từ 50-70% thời lượng đào tạo. Nhiều cơ sở GDNN đã bố trí thời lượng học tại doanh nghiệp từ 25-40% thời lượng trong chương trình đào tạo.
Đặc biệt là việc phối hợp, Ký kết với các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp, tổng công ty lớn trong việc tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở GDNN, làm cơ sở cho các cơ sở GDNN thúc đẩy tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Công ty TNHH Electronics Samsung Việt Nam và Công ty TNHH Denso Việt Nam để hợp tác về thi tay nghề giỏi, Hiệp hội GDNN và Nghề Công tác xã hội Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội du lịch Việt Nam, Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam; Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn BIM; các tổ chức và đối tác quốc tế: GIZ và VCCI thành phố Hồ Chí Minh, Tổng hội thương gia Đài Loan...
Bên cạnh đó, công tác đào tạo bồi dưỡng nhà giáo, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo dạy các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực ASEAN và thế giới được đẩy mạnh sẽ đáp ứng cơ bản quy hoạch về số lượng, trình độ và cơ cấu ngành nghề.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 -2019, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trong nước cho 18.340 lượt nhà giáo về nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề, tiếng Anh, phương pháp giảng dạy..., đào tạo ở nước ngoài cho 391 nhà giáo giảng dạy các chương trình chuyển giao từ Úc và Đức.
Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục Trưởng Tổng cục GDNN nói rằng, Bộ LĐ-TB&XH đã và đang chuẩn hoá về số lượng cũng như chất lượng về chuyên môn, nghiệp vụ của các nhà giáo. Đến nay, tỷ lệ nhà giáo phù hợp với mục tiêu GDNN là đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực, nhà giáo dạy thực hành và tích hợp chiếm tỷ lệ 76,95% tổng số nhà giáo.
"Đây chính là điều kiện cần và đủ để nâng cao chất lượng GDNN, đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay về tuyển dụng lao động”, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục Trưởng Tổng cục GDNN nhấn mạnh.
Phạm Duy
Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn