Lượng tuyển sinh đại học tại Mỹ đã giảm trong năm thứ 8 liên tiếp và đó chỉ là một trong số ít những dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang cần những người có kỹ năng chứ không phải là bằng cấp.
Nền kinh tế thế giới đang chuyển động không ngừng và kéo theo đó là rất nhiều công việc ra đời. Trong khi đó các trường đại học tại Mỹ và nhiều nơi trên thế giới dường như vẫn giữ lối truyền thụ kiến thức truyền thống và không thể bắt kịp với xu hướng lao động hiện nay. Có lẽ đã đến lúc những người làm giáo dục cần phải nhận ra bằng cấp sắp trở thành vật vô giá trị trong tương lai.
Theo dữ liệu mới đây từ Trung tâm nghiên cứu sinh viên quốc gia Mỹ cho thấy, lượng tuyển sinh đại học tại nước này đã giảm trong năm thứ 8 liên tiếp.
Báo cáo tiến hành phân tích độ tuổi, bằng cấp và vị trí và phát hiện thấy nhiều điều bất ngờ. Mặc dù đại học đang không ngừng mở rộng các ngành nghề đào tạo, bao gồm các nghề dự kiến sẽ nở rộ trong tương lai. Tuy nhiên dữ liệu chỉ ra, hầu hết học sinh, sinh viên đang chuyển hướng tự học kỹ năng cho công việc mà họ cảm thấy yêu thích và bằng cấp không còn là thứ có giá trị bắt buộc phải hướng tới nữa.
Thực tế đã chứng minh có rất nhiều người nổi tiếng thành công mà không cần đến tấm bằng đại học. Gần đây, Glassdoor đã tạo ra một danh sách các công ty lớn tuyển dụng ứng viên không yêu cầu bằng cấp. Một trong số đó gồm Apple và Google. Nhưng tại sao lại có sự thay đổi đột ngột như vậy?
Nguyên nhân đằng sau đó khá dễ nhận thấy. Có không ít người đi học đại học và rồi lại chuyển sang làm một ngành nghề khác không liên quan đến kiến thức mà họ được trên giảng đường. Không chỉ sinh viên hay các trường đại học mà giờ đây rất nhiều công ty lớn cũng nhận thức được điều này. Tuy nhiên vẫn có không ít công ty yêu cầu bằng cấp như một loại giấy tờ "chứng minh" ứng viên đã hoàn thành một quá trình rèn luyện và học hỏi kiến thức. Nói cách khác tấm bằng giống như "chìa khóa" mở toang cánh cửa để các ứng viên tới gần hơn với nhà tuyển dụng.
Nhưng…kỹ năng mới là yếu tố tiên quyết giúp bạn có được công việc ưng ý và duy trì nó lâu dài
Một trong những ngành nghề phát triển nở rộ hiện nay trong nền kinh tế nhiều quốc gia, đó chính là nghề tự do. Một cuộc khảo sát có tiêu đề "Freelancing in America 2018" cho thấy, 93% người làm việc tự do (freelancer) với tấm bằng 4 năm đại học khẳng định, việc đào tạo kỹ năng quan trọng hơn nhiều bằng cấp mà họ có được. Ngoài ra có tới 70% người làm việc tự do tại Mỹ đã tự rèn luyện hoặc tham gia vào các khóa huấn luyện kỹ năng công việc trong 6 tháng qua.
Dữ liệu trên phần nào cho thấy những thay đổi bất ngờ trong lực lượng lao động suốt 1 thập kỷ qua. Xu hướng tập trung cho kỹ năng hơn là bằng cấp đang ngày càng nở rộ. Ở chiều ngược lại, chi phí giáo dục ngày càng tăng, thời gian học kéo dài 4 năm hoặc lâu hơn, đồng thời sự xâm nhập của công nghệ trong môi trường giáo dục đang khiến môi trường giáo dục đại học trở nên kém thu hút đối với nhiều học sinh.
Trước đây đại học luôn là môi trường mơ ước của bất kỳ học sinh nào sau khi tốt nghiệp trung học. Nhưng giờ đây với những nhược điểm của cách dạy truyền thống, chi phí đắt đỏ,…cộng với việc có nhiều lựa chọn học tập kỹ năng công việc mà không cần tới trường nên nhiều học sinh đã tự chọn con đường riêng của mình, đó là tự học và hoàn thiện kỹ năng thay vì tốn thời gian cho quãng thời gian học đại học.
Hơn hết, đại học giờ đây không còn liên quan tới thu nhập của bạn sau này.
Trường đại học thất thế vì dạy những thứ không liên quan tới công việc
Có rất nhiều trường đại học hiện nay đang tập trung dạy các kiến thức chuyên sâu quá mức và không liên quan nhiều đến công việc thực tế. Tất nhiên với các ngành nghề đặc thù như y tế hoặc quân sự, việc được rèn luyện trong môi trường đại học là điều vô cùng cần thiết. Đặc biệt bằng cấp lúc này càng chứng minh được năng lực của người đó. Nhưng nếu chỉ dựa vào bằng cấp để đánh giá chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của một người thì không nên.
Lấy ví dụ như lập trình. Ngành học đòi hỏi tư duy phân tích cực cao này không cho phép bạn dập khuôn một cách máy móc mà phải liên tục tìm tòi những kiến thức lập trình mới hơn từ cộng đồng và liên tục cập nhật các kiến thức công nghệ mới nhất. Rõ ràng những kiến thức này sẽ khó có thể truyền dạy được từ nhà trường.
Hay như các ngành nghề khác như nhà văn, chuyên gia marketing sẽ khó có thể học hỏi và tích lũy kinh nghiệm trong nghề nếu như chỉ chôn chân trên giảng đường đại học suốt 4 năm. Thử tưởng tượng khi bạn đang học những kiến thức căn bản và cách lên kế hoạch cho một chiến dịch marketing lỗi thời thì ở đâu đó, một người dù không có bằng cấp liên quan đến chuyên ngành marketing lại có thể đưa ra một chiến dịch tiếp thị mới mẻ và hiệu quả hơn. Tất cả nhờ việc họ được tiếp xúc và tích lũy kinh nghiệm trong quá trình học nghề mà không cần phải ai truyền dạy trên giảng đường đại học.
Kiến thức luôn là một dòng sông di chuyển không có điểm dừng. Do đó, bạn sẽ không thể học hỏi những kiến thức đã cũ trên trường lớp, sách vở và áp dụng cho cuộc sống hiện tại đang xoay chuyển không ngừng.
Giải pháp cho học sinh, sinh viên sớm tiếp cận và làm thử để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp
Trong khi đa số các trường đại học đều không thể theo kịp sự thay đổi không ngừng của thế giới, đã có nhiều sáng kiến ra đời nhằm khắc phục vấn đề này.
Một tổ chức giáo dục tại Mỹ có tên Lumina đặc biến hướng đến việc nâng cao và cải thiện kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên. Mới đây Lumina đã tổ chức cuộc thi Education Innovation Prize 2019 nhằm tìm ra giải pháp tốt hơn cho giáo dục đại học.
Chương trình đào tạo và kỹ năng cấp tốc (MDC ACTS) của Đại học Miami-Dade đã xuất sắc thắng giải nhờ một mô hình khá độc đáo. Mô hình thực chất là sự kết hợp giữa việc kiếm tiền và học hỏi, trau dồi kỹ năng công việc.
Sau khi liên kết với nhiều nhà tuyển dụng, nhóm phát triển chương trình đã mở ra chương trình 12 tuần cung cấp các kiến thức căn bản về công việc và liên tục đào tạo kỹ năng cho ứng viên. Tất cả học sinh, sinh viên sẽ được cầm tay chỉ dạy về công việc và được hưởng tiền lương. Sinh viên sau tốt nghiệp sẽ có đủ kinh nghiệm, kỹ năng căn bản để tiếp tục nâng cao trình độ hoặc tìm một cơ hội việc làm tốt hơn.
Phó chủ tịch điều hành của dự án, Lenore Rodicio cho biết, sáng kiến này sẽ giúp giải quyết một số vấn đề lớn mà hầu hết thanh niên hiện nay đang phải đối mặt, đó là không biết học để làm gì và có áp dụng được trong thực tế hay không.
Việc không nắm được tương lai của chính mình khiến nhiều sinh viên loay hoay không biết nên làm gì ở trường đại học. Nhưng nếu họ có cơ hội học tập, trau đồi kiến thức, kỹ năng và vừa có tiền lương từ công việc mình đang học, chắc chắn những sinh viên đó sẽ dễ dàng tìm cho mình một hướng phát triển sự nghiệp phù hợp cho chính mình.
Hơn hết bản thân các doanh nghiệp, trường đại học và cả những học sinh, sinh viên, gia đình của họ cần thay đổi cách tiếp cận đối với việc học tập kiến thức, kỹ năng công việc mà họ mong muốn thay vì chạy theo số đông.
Tiến Thanh/ https://vnreview.vn